Chi phí sản xuất tăng, đánh bắt ngày một xa, giá bán không thể cao vì cạnh tranh quyết liệt nên nhiều doanh nghiệp phải giải thể.
Nếu những năm 2005 – 2010 số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước mắm và số lượng thùng trong mỗi doanh nghiệp làm nước mắm ở Phú Quốc đều tăng cao thì ở thời điểm hiện tại, biểu đồ sản xuất nước mắm đang đi xuống nhanh. Đã có nhiều doanh nghiệp phải giải thể…

Con số 120 nhà thùng do Ủy ban nhân dân huyện Phú Quốc cung cấp có lẽ đã không còn chính xác do thiếu cập nhật. Chỉ riêng các thành viên trong hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc, con số 91 vào năm 2010 giờ chỉ còn lại 86, theo bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch hội. Năm 2000, lúc hội vừa mới thành lập, con số hội viên là 63.

Ông Nguyễn Minh Trực, Trưởng phòng kinh tế huyện Phú Quốc, nói: “Số lượng cơ sở không phát triển thêm nữa. Tính toán đầu vào đầu ra thấy không có lợi nên nhiều người không còn mặn mà với nghề!” Nghe đâu cả bà chủ tịch hội cũng tính chuyển nghề sang làm du lịch…

Những nhà thùng có quy mô nhỏ, cỡ 10 – 30 thùng, là những cơ sở “ngắc ngoải” đầu tiên do không cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp lớn. Khoảng 50% nhà thùng này là hội viên của hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc! Nguồn cá cơm đang cạn kiệt dần trong khi nhu cầu về nguyên liệu lại ngày càng tăng. Các nhà thùng nhỏ, vì thế, khó lòng tranh mua nguyên liệu với các nhà thùng lớn. Chưa kể do sản xuất nhỏ lẻ, họ càng khó có “tư thế” để thương lượng giá bán sản phẩm với các nhà thu mua và phân phối trên thị trường. Với các nhà thùng lớn, kinh tế khủng hoảng, lãi suất ngân hàng cao cũng khiến họ gặp nhiều khó khăn. Hơn tất cả những điều đó, các nhà thùng truyền thống ở Phú Quốc, dù lớn hay nhỏ, còn có chung một khó khăn quan trọng nữa, đó là không đương cự nổi với các “đại gia” sản xuất nước chấm đang tung hoành ngang dọc trên thị trường và ngay trên “thánh địa” của họ!

Bà Nguyễn Thị Tịnh rụt rè đưa ra con số khoảng 60 – 70% nước mắm Phú Quốc hiện nay được bán dưới dạng nước mắm can, nước mắm xá cho các công ty hay tập đoàn chuyên pha chế nước mắm đang lũng đoạn thị trường. Con số ấy cứ tăng dần theo câu chuyện và cuối cùng, bà cũng thừa nhận một thực tế đau lòng là có đến hơn 90% nước mắm Phú Quốc nay đã được “đầu thai” sang “kiếp khác” để dễ tiêu thụ và tất nhiên, đó là những loại “nước mắm mà không mắm” với những phẩm chất khác và những tên tuổi mỹ miều khác.

Chi phí sản xuất cứ ngày một tăng do chi phí nguyên liệu tăng vì ngày nay, muốn có đủ cá nguyên liệu, tàu đánh bắt ở Phú Quốc phải đi đánh bắt ngày một xa. Trong khi đó, giá bán sản phẩm lại không thể cao tương ứng vì bị cạnh tranh quyết liệt trên thị trường bởi những sản phẩm cũng gọi là nước mắm nhưng thực chất lại không phải là nước mắm được sản xuất theo đúng quy trình, quy chuẩn của nước mắm truyền thống. Những loại “nước mắm” này, theo nhiều người, đúng ra phải gọi bằng cái tên nước chấm mới chính xác.

Nước mắm Phú Quốc nguy cơ mai một

Đa số các nhà thùng Phú Quốc hiện nay sản xuất nước mắm chỉ để bán can, không có nhãn hiệu. Ảnh Đoàn Đạt.

Tình thế khó khăn vậy nên ở Phú Quốc hiện nay, đa số các nhà thùng phải bán nước mắm của mình cho đơn vị khác, như tập đoàn Masan thông qua doanh nghiệp Hồng Ngọc. Doanh nghiệp này có tàu chuyên chở nước mắm Phú Quốc về TP HCM.

Ngay tại Phú Quốc còn có cả một cơ sở sản xuất nước mắm khá lớn do Masan xây dựng với quy trình “khác lạ” so với quy trình làm nước mắm Phú Quốc: xây hồ bằng ximăng để ủ chượp cá! Tuy nhiên, cơ sở này hoạt động, sản xuất ra sao, không mấy ai biết.

Ngày nay, những tên tuổi một thời nước mắm Phú Quốc, ngoài việc vẫn phải sản xuất nước mắm ngon lành để… bán cho “người ta” đem về “chế biến” đủ kiểu (mà vẫn kêu là nước mắm!) rồi dán nhãn “xa lạ” bán ra thị trường với giá hấp dẫn, thì các chủ nhân của nó vẫn đang ráng giữ gìn chút hồn vía của nước mắm Phú Quốc bằng cách làm ra chai nước mắm thật sự – những giọt nước mắm chắt lọc từ cá và muối sau nhiều tháng ủ trong thùng gỗ – và… bán lẻ cho khách du lịch đến Phú Quốc!

Chủ tịch hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc, cũng đồng tình với ý kiến này. Theo bà, các loại nước mắm “phi truyền thống” đang thắng thế rõ rệt trên thị trường nhờ nắm được thị hiếu này. Theo bà, đã là nước mắm thì phải mặn, vì nước mắm có độ mặn dưới 25% sẽ bị biến chất chỉ sau một thời gian ngắn bảo quản. Với các loại “nước mắm” có độ mặn dưới tiêu chuẩn trên, để có thể để lâu, nhà sản xuất chắc chắn phải gia thêm chất bảo quản. Cũng chính độ mặn này, theo những người có thâm niên trong nghề làm nước mắm, là yếu tố quan trọng bảo đảm cho nước mắm truyền thống Phú Quốc không có những vi khuẩn độc hại. Bà nói: “Làm gì có nước mắm dơ mà “khủng bố” người tiêu dùng bằng quảng cáo nước mắm “sạch”? Chính độ mặn theo tiêu chuẩn đó đã tiêu diệt hết vi khuẩn có hại. Nước mắm Phú Quốc lâu nay có kiểm cả trăm lần cũng chưa lần nào có vi khuẩn phát sinh cả!”

Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Quốc, ông Huỳnh Quang Hưng, bức xúc: “Người tiêu dùng hiện nay giống như đang bị lừa vì các loại “nước mắm” được pha chế lại từ nước mắm gốc và có thêm hương liệu. Hiện nay, giá bán một chai nước mắm Phú Quốc chính hiệu 300 đạm với một chai nước mắm pha chỉ 100 đạm chênh lệch không bao nhiêu. Trong khi trong nghề, chất lượng của hai loại này chênh lệch rất xa. Nhưng thường thì độ đạm của chai nước mắm pha được ghi rất nhỏ, gần như không thấy nổi trên các sản phẩm”.

Nước mắm Phú Quốc, một đặc sản “quốc hồn quốc tuý” có nguy cơ “tha hoá”, mai một dần ngay trên quê hương bản xứ của chúng. Những người tâm huyết với làng nghề đang cố vận động để đưa nước mắm truyền thống của Phú Quốc trở lại đúng với giá trị của mình…

(Theo Sài Gòn tiếp thị)

Tin liên quan